Trong lĩnh vực chứng khoán, phương pháp phân tích cơ bản phổ biến được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng là phân tích cơ bản (Fundamental Analysis). Khi phân tích cơ bản, bạn có thể chọn lựa một trong hai hướng phân tích: top-down hoặc bottom-up.
Sử dụng phương pháp Bottom-up, người phân tích sẽ đi thẩm định từng yếu tố cơ bản của một cổ phiếu. Người này ít chú ý đến các yếu tố tác động từ bên ngoài doanh nghiệp mà tập trung vào việc công ty mà họ phân tích có vị thế ra sao trong ngành.
Những yếu tố mà phương pháp Bottom-up cần quan tâm tới có thể kể đến như:
Đội ngũ ban lãnh đạo/ đội ngũ quản trị
Sản phẩm của công ty, vị thế trên thị trường và thị phần
Tăng trưởng lợi nhuận quá khứ và lợi nhuận dự phóng
Dòng tiền và dòng tiền tự do để tài trợ cho hoạt động và các khoản đầu tư
Các chỉ số tài chính, bao gồm chỉ số P/E (để đánh giá xem doanh nghiệp có còn rẻ hay không), chỉ số nợ/tổng tài sản, biên lợi nhuận,…
Ngược lại, phương pháp Top-down tập trung vào phân tích bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế và các yếu tố vĩ mô quan trọng. Tiếp theo, người phân tích sẽ đánh giá xem những ngành nào sẽ được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô trên và chọn lọc ra những cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất trong ngành.
Một số yếu tố mà phương pháp Top-down sử dụng để phân tích:
Tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội): nền kinh tế có tăng trưởng GDP cao sẽ là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển
Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của chính phủ: những chính sách này có thể thúc đẩy/kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Ví dụ như khi chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, các doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản có thể được hưởng lợi
Lạm phát: lạm phát nếu được giữ ở mức dưới 5% được cho là con số lý tưởng bởi sẽ kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư, từ đó góp phần kích thích kinh tế. Nếu cao hơn con số này, nền kinh tế sẽ trở nên rối loạn do người dân sẽ có hành vi thu gom, tích trữ hàng hóa, của cải để tránh lạm phát, gây mất cân đối cung-cầu nghiêm trọng. Nếu lạm phát âm (hay còn gọi là giảm phát), nhà đầu tư sẽ có tâm lý muốn giữ tiền và giảm bớt chi tiêu, góp phần kìm nén nền kinh tế
Lãi suất ngân hàng: Lãi suất ngân hàng thấp sẽ giúp tăng chi tiêu, đầu tư, góp phần phát triển kinh tế.
2 Phương pháp phân tích cơ bản nêu trên đều là những phương pháp hữu ích. Tuy nhiên, việc lựa chọn sử dụng phương pháp nào lại tùy thuộc vào sở trường/sở thích của mỗi người và tùy thuộc vào nhóm ngành mà bạn muốn phân tích. Ví dụ khi phân tích nhóm ngành bất động sản (vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố lạm phát, lãi suất,…) thì phương pháp Top-down có thể hữu dụng hơn.