Để có thể đưa ra quyết định mua hoặc bán bất kỳ thứ gì thì việc đầu tiên chúng ta cần làm đó là phân tích. Trên thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ, công việc phân tích chứng khoán là vô cùng cần thiết đối với mọi thành phần tham gia trên thị trường bất kể là nhà đầu tư hay nhà đầu cơ. Đây được coi là 2 “trường phái” đầu tư khác nhau và còn khá nhiều những nhà đầu tư khi mới giam gia thị trường bị bối rối và hiểu sai về 2 phương pháp này. Vậy sau đây hãy cùng tìm hiểu rõ hơn điểm khác nhau giữa 2 phương pháp này nhé!
Phân tích cơ bản (Fundamental analysis) là phương pháp đánh giá cổ phiếu bằng cách đo lường giá trị nội tại của chúng. Các nhà phân tích cơ bản sẽ nghiên cứu các yếu tố có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm các yếu tố vĩ mô như nền kinh tế chung, điều kiện ngành nghề kinh doanh và cả các yếu tố vi mô của doanh nghiệp như tình hình tài chính, cách quản lý công ty hay thậm chí là cả ban lãnh đạo.
Phân tích kỹ thuật (Technical analysis)là một phương pháp được coi là đối lập với phương pháp phân tích cơ bản. Các nhà phân tích kỹ thuật sẽ không quan tâm tới giá trị nội tại của doanh nghiệp, thay vào đó họ tìm kiếm các cơ hội đầu tư bằng cách xem xét các xu hướng thống kê, sử dụng biểu đồ, mẫu hình giá và các chỉ báo kỹ thuật nhằm phân tích các biến động giữa cung và cầu đối với cổ phiếu để xác định các thời điểm nên mua/bán phù hợp.
Phân biệt 2 phương pháp phân tích phổ biến trong chứng khoán là Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật dựa trên mục tiêu, nguồn dữ liệu và công cụ sử dụng trong bảng dưới đây:
Phân tích cơ bản |
Phân tích kỹ thuật |
|
Mục tiêu phân tích |
Các nhà đầu tư sử dụng phương pháp này với mục đích đánh giá, đo lường giá trị nội tại của doanh nghiệp và so sánh với giá trị của doanh nghiệp trên thị trường, qua đó xác định xem liệu doanh nghiệp đang được định giá thấp hơn hay cao hơn so với giá trị nội tại, từ đó đưa ra các quyết định mua/bán phù hợp. Với mục tiêu như vậy, các nhà sử dụng phương pháp Phân tích cơ bản thường đầu tư và nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn. |
Trong phương pháp Phân tích kỹ thuật, các nhà đầu tư và các nhà đầu cơ sử dụng các mô hình biểu đồ giá, kết hợp cùng khối lượng giao dịch và các công cụ, chỉ bảo với mục đích nhằm dự báo trước đà tăng/giảm của giá cổ phiếu, từ đó đưa ra các quyết định mua/bán phù hợp nhằm kiếm lợi. Với mục tiêu như vậy, các nhà sử dụng phương pháp Phân tích kỹ thuật thường giao dịch mua/bán cổ phiếu trong ngắn hạn và với tần suất cao. |
Nguồn dữ liệu |
Để có thể phân tích và đo lường giá trị nội tại của doanh nghiệp, các nhà phân tích cơ bản sẽ cần sử dụng đến các thông tin đến từ báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô… để có thể thu thập dữ liệu về tình hình kinh doanh, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp nói riêng và tình hình kinh tế vĩ mô nói chung. |
Các nhà phân tích kỹ thuật sẽ phân tích chủ yếu dựa trên các dữ liệu lịch sử về giá và khối lượng giao dịch của các cổ phiếu. Các dạng dữ liệu này sẽ được biểu diễn dưới nhiều dạng biểu đồ như biểu đồ nến, biểu đồ dạng đường… |
Công cụ phân tích |
Để có thể định giá doanh nghiệp, các nhà phân tích cần sử dụng đến các chỉ số tài chính như P/E, EPS, P/B, P/S… và kết hợp cùng các công thức, phương pháp định giá doanh nghiệp như DCF, FCFF, FCFE… Những chỉ số tài chính này được tính toán từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư trong việc phân tích giá trị nội tại doanh nghiệp. |
Các công cụ được sử dụng trong phân tích kỹ thuật thường rất đa dạng và linh hoạt trong cách sử dụng. Các nhà phân tích kỹ thuật thường sử dụng các mẫu hình biểu đồ nến, các bộ chỉ báo kỹ thuật hay nói cách khác là dựa vào biến động giá và các diễn biến trên biểu đồ. |
Phương pháp Phân tích cơ bản và phương pháp Phân tích kỹ thuật tuy khác nhau nhưng không đối lập nhau. Cả 2 phương pháp trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng mà các nhà đầu tư cần phải cân nhắc trước khi sử dụng. Cùng theo dõi Ưu - Nhược điểm của 2 phương pháp trong bảng dưới đây:
Phân tích cơ bản |
Phân tích kỹ thuật |
|
Ưu điểm |
Giúp cho nhà đầu tư xác định được giá trị nội tại của công ty, từ đó phân biệt được giữa các doanh nghiệp tốt với các doanh nghiệp yếu kém. Việc đo lường giá trị nội tại của công ty sẽ giúp các nhà đầu tư tìm và đầu tư vào những cổ phiếu bị định giá thấp và tránh những cổ phiếu bị định giá cao hơn giá trị nội tại. Việc phân tích các yếu tố cơ bản của một doanh nghiệp còn giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tình hình tài chính, kinh doanh của công ty đó. |
Phân tích kỹ thuật thường tập trung vào các xu hướng ngắn hạn và diễn biến giá thường diễn ra trước phân tích cơ bản. Phân tích kỹ thuật cho kết quả trong ngắn hạn, các nhà đầu tư sẽ không cần có quá nhiều kiến thức về tài chính để giao dịch. Bên cạnh đó, phương pháp Phân tích kỹ thuật với rất nhiều các chỉ báo kỹ thuật và mô hình giá, sẽ giúp các nhà đầu tư xác định các điểm mua/bán với xác suất thành công cao sau khi được kiểm chứng. |
Nhược điểm |
Phân tích cơ bản thường tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của các nhà đầu tư bởi độ phức tạp và yêu cầu mức độ hiểu biết về doanh nghiệp cao. Tuy vậy, mức độ chính xác của kết quả phân tích vẫn còn nhiều hạn chế bởi vì kết quả phân tích có mang tính chủ quan từ phía người phân tích - đây được đánh giá là yếu tố tâm lý của con người. Bên cạnh đó, độ chính xác của việc phân tích còn phụ thuộc vào tính tin cậy và chính xác của báo cáo tài chính mà công ty đưa ra vì các công ty hoàn toàn có thể có những hành vi gian lận, xào nấu báo cáo tài chính, từ đó gây ảnh hưởng tới kết quả của việc phân tích. |
Phương pháp Phân tích kỹ thuật khi được sử dụng đơn lẻ sẽ không quan tâm tới giá trị nội tại của doanh nghiệp, điều này sẽ khiến các nhà phân tích kỹ thuật có thể thực hiện mua/bán đối với những doanh nghiệp yếu kém nhưng lại được “làm giá" nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư mua vào. Ngoài ra thì các nhà phân tích kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý trên thị trường trong quá trình xác định điểm mua/bán. |
Nhìn chung, để so sánh Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật thì chúng ta không thể kết luận được phương pháp nào nên dùng hay phương pháp nào tốt hơn. Việc lựa chọn phương pháp đầu tư sẽ phụ thuộc vào mục tiêu, chiến lược và khả năng phân tích của mỗi nhà đầu tư khác nhau, đồng thời việc kết hợp sử dụng hài hoà cả 2 có thể các nhà đầu tư tận dụng được ưu điểm và khắc phục nhược điểm của mỗi phương pháp.
Trên đây là bài viết giới thiệu và so sánh về 2 “trường phái” đầu tư phổ biến trên thị trường là Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật. Mong rằng qua bài viết này, các bạn sẽ có những kiến thức tổng quát hơn, qua đó kết hợp và ứng dụng 2 phương pháp này thành công trong giao dịch nhé